053.1 Bài 1
Chứng chỉ: |
Open Source Essentials |
---|---|
Phiên bản: |
1.0 |
Chủ đề: |
053 Giấy phép dành cho Nội dung Mở |
Mục tiêu: |
053.1 Các khái niệm về Giấy phép dành cho Nội dung Mở |
Bài học: |
1 trên 1 |
Giới thiệu
Có một tình huống giả định như sau: Frank là một nhà văn muốn mang những câu chuyện của mình đến với tất cả mọi người trên internet với một số điều kiện nhất định. Anh muốn các tác phẩm của mình hoàn toàn miễn phí và bất cứ ai cũng có thể sử dụng những câu chuyện đó mà không cần xin phép. Song song với đó, anh cũng muốn các tác phẩm của mình không bị mang đi sử dụng cho các mục đích thương mại. Cuối cùng, anh muốn mọi người ghi công tác giả xứng đáng cho mình nếu những câu chuyện đó được sử dụng cho bất kỳ mục đích gì. Frank muốn làm được điều này mà không cần phải dính líu đến các thủ tục pháp lý phức tạp. Sau này chúng ta sẽ hiểu được tại sao một nhà văn lại muốn làm như vậy.
Emma là một nhà làm phim, đồng thời cô cũng dạy một số sinh viên về cách sản xuất phim ngắn. Bên cạnh nhiều kiến thức khác, học sinh cần có một câu chuyện để tạo ra tác phẩm của mình. Emma lại tình cờ biết về những câu chuyện của Frank và cho rằng chúng rất phù hợp với lớp học của mình.
Frank có thể làm gì để cho phép Emma sử dụng những câu chuyện của mình? Tình huống này và nhiều tình huống tương tư khác có thể được giải quyết bằng cách sử dụng mô hình cấp phép cho nội dung mở. Ngày nay, có hàng triệu các tác phẩm được bảo vệ bản quyền có thể được bất cứ một người nào sử dụng lại mà không cần phải trả phí cấp phép hoặc được sự đồng ý rõ ràng từ người nắm giữ bản quyền; tất cả những điều này đều là nhờ vào việc phân phối các tác phẩm theo giấy phép nội dung mở. Các tài nguyên như Wikipedia, Flickr, OpenStreetMap, Unsplash và Jamendo là một số ví dụ về các nền tảng sử dụng mô hình giấy phép này.
Theo một định nghĩa rộng hơn, nội dung mở ám chỉ bất kỳ một tác phẩm nào (ví dụ như phim, nhạc, hình ảnh, văn bản, cơ sở dữ liệu, bộ dữ liệu, tài liệu, bản đồ và thiết kế phần cứng) được phép sử dụng và tái phân phối tự do theo luật bản quyền. Điều này cũng bao gồm các tác phẩm mà phương án bảo vệ ban đầu của chúng đã hết thời hạn và do đó trở thành tác phẩm thuộc phạm vi công cộng. Một định nghĩa hẹp hơn sẽ là một tác phẩm đã được tác giả chỉ định tuân theo một giấy phép nội dung mở cho phép sử dụng và phân phối tác phẩm mà không cần bất kỳ khoản thanh toán hoặc sự cho phép nào. Do đó, mô hình nội dung mở không đối lập với luật bản quyền mà ngược lại sẽ bổ sung cho nó.
Nguyên tắc cơ bản về Bản quyền
Vì các giấy phép nội dung mở được dựa trên bản quyền nên chúng ta sẽ cần tìm hiểu về một số khía cạnh của luật bản quyền để hiểu tại sao các giấy phép đó lại cần thiết và chúng cho phép những gì.
Bản quyền là một phần của một danh mục pháp lý được gọi là sở hữu trí tuệ. Bản quyền sẽ bảo vệ các tác phẩm gốc bằng cách cấp cho tác giả các quyền hợp pháp độc quyền để kiểm soát các hành vi sử dụng nhất định của các cá nhân hoặc tổ chức khác trên tác phẩm của họ. Nói chung, điều này có nghĩa là không ai khác có thể sao chép, phân phối, biểu diễn công khai, phỏng theo hoặc thực hiện hầu hết mọi hành vi khác ngoài việc xem hoặc đọc tác phẩm mà không có sự cho phép của người nắm giữ bản quyền.
Các nguyên tắc cơ bản mà chúng ta sẽ xem xét trong phần này bao gồm việc những sản phẩm như thế nào thì có thể có bản quyền, cùng với việc ai sẽ kiểm soát các quyền và cấp quyền sử dụng lại tác phẩm có bản quyền như Emma muốn làm trong ví dụ ở trên.
Như Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới đã tuyên bố rõ ràng:
Bản quyền bảo vệ hai loại quyền. Quyền kinh tế cho phép chủ sở hữu quyền nhận được phần thưởng tài chính từ việc người khác sử dụng tác phẩm của họ. Quyền đạo đức cho phép tác giả và nhà sáng tạo thực hiện một số hành động nhất định để duy trì và bảo vệ mối liên kết của họ với tác phẩm. Tác giả hoặc nhà sáng tạo có thể là chủ sở hữu các quyền kinh tế hoặc các quyền đó có thể được chuyển giao cho một hoặc nhiều chủ sở hữu quyền tác giả. Có nhiều nước sẽ không cho phép chuyển giao quyền đạo đức. Bản quyền sẽ chỉ bảo vệ hình thức thể hiện các sự thật hoặc ý tưởng. Nó không cho phép người giữ bản quyền sở hữu hoặc kiểm soát độc quyền ý tưởng đó. Ví dụ: một hình minh họa có thể có bản quyền nhưng ý tưởng tạo ra nó thì không.
Hiểu về Bản quyền và Các Quyền liên quan
Các quyền kinh tế được bảo vệ bởi bản quyền sẽ tồn tại rất lâu, thường là hàng thập kỷ sau khi nhà sáng tạo đã qua đời. Quyền đạo đức thì sẽ không bao giờ hết hạn.
Bản quyền cấp quyền cho các tác phẩm sáng tạo, chẳng hạn như các tác phẩm văn học và nghệ thuật đáp ứng một tiêu chuẩn nhất định về tính nguyên bản. Tác phẩm phải là sự sáng tạo của nhà sáng tạo ra nó và không được sao chép từ tác phẩm khác (có nhiều cuộc tranh luận đang diễn ra về việc trí tuệ nhân tạo có thể tham gia đến đâu vào một tác phẩm để tác phẩm đó vẫn được coi là nguyên bản).
Bản quyền chỉ bảo vệ hình thức thể hiện sự thật hoặc ý tưởng. Nó không cho phép người giữ bản quyền sở hữu hoặc kiểm soát độc quyền ý tưởng đó. Ví dụ: một hình minh họa có thể có bản quyền nhưng ý tưởng tạo ra nó thì không.
Bản quyền sẽ được tự động áp dụng khi một tác phẩm được tạo ra và cố định ở một dạng hữu hình nào đó, chẳng hạn như một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số hoặc một bài hát. Điều này có nghĩa là các quyền sẽ được cấp cho nhà sáng tạo mà không cần đăng ký chính thức tác phẩm.
Những người thúc đẩy việc cấp phép nội dung mở muốn thúc đẩy một nền văn hóa tự do và sự phát triển của một nền tảng kỹ thuật số chung. Họ nhận thấy hệ thống bản quyền quá hạn chế và cứng nhắc đối với cả người dùng và nhà sáng tạo. Bằng cách tạo ra các giấy phép tiêu chuẩn dễ sử dụng, những người ủng hộ nội dung mở đã đơn giản hóa việc sử dụng và phân phối các tác phẩm được bảo vệ bởi bản quyền.
Bản quyền bảo vệ những gì?
Luật bản quyền ở mỗi quốc gia đều sẽ có những điểm khác biệt. Tuy nhiên, có một số thỏa thuận quốc tế nhằm mục đích tiêu chuẩn hóa luật bản quyền. Các tác phẩm văn học và nghệ thuật gốc có thể có bản quyền (ví dụ như các tác phẩm về nghệ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, phim ảnh, truyền hình, văn học và lập trình). Các quy tắc cụ thể để quyết định nội dung nào sẽ có bản quyền và mức độ nguyên bản của tác phẩm đạt đến đâu ở mỗi khu vực cũng sẽ khác nhau.
Đôi khi những danh mục này có thể sẽ rất chung chung và áp dụng cho những tác phẩm vừa mang yếu tố sáng tạo vừa mang tính chức năng chặt chẽ. Ví dụ: một bộ phim ngắn sẽ được coi là một tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, một số phần của nó có thể sẽ không có bản quyền nếu chúng không đáp ứng được tiêu chuẩn về tính nguyên bản.
Sản phẩm phái sinh
Hãy cùng tiếp tục với tình huống giả định từ đầu bài học: Frank cuối cùng cũng đã quyết định phát hành các câu chuyện của mình theo giấy phép nội dung mở để chúng có thể được sử dụng theo các điều khoản mà anh ấy đã chọn. Vì các câu chuyện đều được cấp giấy phép đó nên Emma đã sử dụng chúng trong lớp của mình và quyết định chiếu một số phim ngắn của học sinh trong một liên hoan phim. Trong trường hợp này, nội dung do học sinh tạo ra có thể được coi là sản phẩm phái sinh.
Sản phẩm phái sinh hoặc chuyển thể là các sản phẩm dựa trên các tác phẩm hiện hữu (chẳng hạn như bản dịch, dàn dựng âm nhạc, kịch, hư cấu, phiên bản điện ảnh, ghi âm, tái tạo nghệ thuật hoặc bất kỳ hình thức nào khác mà trong đó tác phẩm gốc được chuyển thể hoặc phỏng theo). Sản phẩm phái sinh sẽ trở thành một tác phẩm thứ hai, tách biệt về hình thức so với tác phẩm thứ nhất. Việc chuyển đổi, sửa đổi hoặc điều chỉnh tác phẩm phải được thể hiện một cách rõ ràng để thể hiện được tính nguyên bản và từ đó được bảo vệ bởi bản quyền.
Các Tính năng cấp phép Nội dung Mở phổ biến
Mỗi một giấy phép nội dung mở đều sẽ khẳng định bản quyền của tác giả và rằng nếu không có giấy phép từ tác giả thì bất kỳ người nào sử dụng tác phẩm đều sẽ vi phạm bản quyền. Do đó, những giấy phép như vậy hoạt động trong khuôn khổ hệ thống bản quyền toàn cầu chứ không hề đi ngược lại.
Giấy phép nội dung mở cũng đảm bảo rằng tác giả của tác phẩm phải được ghi công xứng đáng. Nếu người nhận tác phẩm phân phối nó cho bên thứ ba, họ sẽ phải đảm bảo rằng tác giả gốc sẽ được thừa nhận và ghi nhận. Ngoài ra, khi người nhận sửa đổi tác phẩm, sản phẩm phái sinh sẽ phải đề cập rõ ràng về tác giả của bản gốc và nơi có thể tìm thấy bản gốc.
Không giống như hầu hết các giấy phép bản quyền áp đặt các điều kiện hạn chế đối với việc sử dụng tác phẩm, giấy phép nội dung mở cho phép người dùng có một sự tự do nhất định bằng cách cấp quyền cho họ. Một số quyền này là quyền chung cho hầu hết tất cả các giấy phép nội dung mở (chẳng hạn như quyền sao chép tác phẩm và quyền phân phối tác phẩm). Tùy thuộc vào giấy phép, người dùng cũng có thể có quyền sửa đổi, tạo, biểu diễn, trưng bày và phân phối các sản phẩm phái sinh.
Giấy phép nội dung mở có thể kiểm soát các sản phẩm phái sinh. Các giấy phép này thường bao gồm quyền tạo sản phẩm phái sinh và phân phối nó trên bất kỳ một phương tiện truyền thông nào. Nếu một người cấp phép cho một bức tranh theo giấy phép nội dung mở thì quyền lấy nó làm cơ sở cho một bức tranh khác cũng có thể được cấp. Các quyền này có thể được cấp với điều kiện là những người khác có thể sử dụng sản phẩm phái sinh một cách tự do giống như tác phẩm gốc.
Do đó, giấy phép nội dung mở thường đảm bảo rằng các sản phẩm phái sinh sẽ được cấp phép theo các điều khoản và điều kiện của cùng một giấy phép nội dung mở. Nhưng nghĩa vụ này không được áp dụng khi tác phẩm được đưa vào tuyển tập. Ví dụ: nếu một người tạo ra một album gồm các bài hát, một trong số đó được cấp phép theo giấy phép nội dung mở, thì không nhất thiết tất cả các bài hát đều phải được cấp phép theo cùng các điều khoản.
Một khía cạnh quan trọng khác của giấy phép nội dung mở là kiểm soát việc sử dụng một tác phẩm với mục đích thương mại. Mọi người có thể cấp phép cho tác phẩm của mình theo giấy phép nội dung mở, đồng thời hạn chế các quyền đối với các mục đích phi thương mại. Ngoài ra, mọi người cũng có thể cấp tất cả các quyền, bao gồm cả quyền sử dụng tác phẩm cho mục đích thương mại.
Giấy phép nội dung mở không ngăn cản mọi người kiếm tiền từ công việc của họ. Nếu tác phẩm tuân theo giấy phép phi thương mại, nhà xuất bản hoặc tổ chức thương mại khác có thể xuất bản tác phẩm đó bằng cách thỏa thuận với chủ sở hữu bản quyền trước khi thực hiện việc đó. Nói cách khác, ngay cả sau khi phát hành một tác phẩm trên cơ sở phi thương mại, tác giả vẫn có thể bán bản quyền cho một tổ chức vì lợi nhuận với điều kiện là không có sự loại trừ nào đối với việc tiếp tục sử dụng phi thương mại.
Tầm quan trọng của Giấy phép Nội dung Mở
Một số lợi ích của mô hình nội dung mở là gì và tại sao mọi người lại sử dụng giấy phép nội dung mở để phân phối tác phẩm sáng tạo của họ thay vì dựa vào mô hình bản quyền truyền thống?
Giấy phép nội dung mở cho phép các tác phẩm được lưu hành rộng rãi hơn nếu chúng bị hạn chế theo mặc định. Do đó, các nghệ sĩ mới có thể được hưởng lợi từ những giấy phép này vì họ có thể trở nên nổi tiếng hơn và được nhiều người công nhận hơn. Bằng cách từ bỏ một số quyền kiểm soát nhất định (và có thể cả doanh thu đi kèm với chúng), nhà sáng tạo nội dung có thể được mời tham gia nhiều chương trình hơn, nhận được nhiều tài trợ hoặc cơ hội hợp tác hơn, v.v.
Giấy phép nội dung mở khá thực tế trong thời đại internet bởi các nhà sáng tạo có thể phát hành tác phẩm của họ mà không cần dựa vào các cá nhân hoặc tổ chức khác. Ví dụ: một nhiếp ảnh gia muốn trưng bày ảnh của họ có thể phát hành chúng trên trang web cá nhân. Bằng cách này, họ có thể tự khẳng định mình và được công chúng biết đến một cách rộng rãi hơn mà không cần đăng ký với một đại lý hoặc phòng trưng bày để thực hiện việc này.
Bằng cách lựa chọn một giấy phép phù hợp, chủ sở hữu bản quyền có thể tối đa hóa việc phân phối và duy trì quyền kiểm soát việc thương mại hóa tác phẩm của mình. Nếu mọi người muốn sử dụng tác phẩm cho mục đích thương mại, nhà sáng tạo nội dung có thể giữ quyền cấp hoặc từ chối cấp phép. Ngay cả khi những người khác bị cấm sử dụng vì mục đích thương mại, chủ sở hữu quyền vẫn có thể sử dụng tác phẩm của mình vì mục đích thương mại.
Bên cạnh khả năng phân phối tác phẩm rộng rãi hơn rất nhiều, các giấy phép nội dung mở cũng làm tăng sự chắc chắn về mặt pháp lý cho người dùng và giảm đáng kể chi phí giao dịch pháp lý.
Chúng ta cũng có thể sử dụng các mô hình tài trợ không phụ thuộc vào việc sử dụng giấy phép phi thương mại. Ví dụ: nhiều nghệ sĩ và nhà sáng tạo sử dụng phương thức huy động vốn từ cộng đồng để tài trợ cho tác phẩm của họ trước khi phát hành nó theo một giấy phép linh hoạt. Những người khác lại sử dụng một mô hình mà trong đó nội dung cơ bản sẽ được miễn phí, nhưng các tính năng bổ sung như phiên bản in hoặc quyền truy cập đặc biệt vào trang web chỉ dành riêng cho thành viên sẽ chỉ được dành cho các khách hàng trả phí.
Giấy phép nội dung mở cho phép mọi người phân phối tác phẩm của họ cho bất kỳ ai và trên bất kỳ phương tiện và định dạng nào như trang web, bản sao, đĩa CD hoặc sách mà không bị hạn chế.
Giấy phép nội dung mở sẽ tự động thiết lập giấy phép giữa tác giả và người dùng. Nếu không có giấy phép nội dung mở, việc chia sẻ tác phẩm qua một nguồn trực tuyến khác sẽ yêu cầu một thỏa thuận hợp đồng cá nhân giữa tác giả và người dùng.
Nhãn hiệu và Bản quyền
Giống như bản quyền, nhãn hiệu (trademarks) cũng là một loại tài sản trí tuệ. Nhưng luật bảo vệ nhãn hiệu khác với luật bảo vệ bản quyền. Nhãn hiệu sẽ bảo vệ thương hiệu, các từ liên quan như tên thương hiệu, logo, biểu tượng và thậm chí cả âm thanh và màu sắc được sử dụng để phân biệt loại hàng hóa và dịch vụ cụ thể với các loại hàng hóa và dịch vụ khác. Bất kỳ yếu tố đặc biệt nào được sử dụng để quảng bá và phân biệt doanh nghiệp cũng như dịch vụ hoặc sản phẩm được bán với người khác đều có thể là một nhãn hiệu.
Người nắm giữ nhãn hiệu thường có thể ngăn người khác sử dụng các sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu này nếu điều đó có thể gây ra nhầm lẫn cho công chúng. Luật về nhãn hiệu sẽ giúp các nhà sản xuất hàng hóa và dịch vụ bảo vệ danh tiếng của họ cũng như bảo vệ công chúng bằng cách cung cấp cho họ một cách đơn giản để phân biệt họ với các sản phẩm và dịch vụ tương tự. Nhãn hiệu có thể được đăng ký chính thức hoặc được tự động bảo vệ theo luật chung. Điều này có nghĩa là một nhãn hiệu sẽ tồn tại ngay khi nó được sử dụng, nhưng một nhãn hiệu tuân theo luật thông thường sẽ không mang lại sự bảo vệ pháp lý giống như một nhãn hiệu đã được đăng ký. Đó là lý do tại sao nhiều công ty lại đăng ký nhãn hiệu của riêng họ.
Bản quyền và nhãn hiệu có thể cùng lúc tồn tại. Ví dụ: Wikipedia là một nhãn hiệu đã được đăng ký và biểu tượng của nó cũng được bảo vệ theo luật bản quyền dưới dạng một tác phẩm nghệ thuật hoặc tác phẩm gốc.
Bài tập Hướng dẫn
-
Giấy phép nội dung mở có thể được sử dụng để tránh bản quyền không?
-
Nội dung như thế nào sẽ được coi là nội dung mở?
-
Sản phẩm phái sinh là gì?
Bài tập Mở rộng
-
Bạn sẽ làm gì nếu muốn phát hành một tác phẩm và cho phép mọi người sử dụng nó cho bất kỳ mục đích nào, miễn là họ tái phân phối tác phẩm đó theo cùng các quyền và điều kiện?
-
Bạn có thể phân phối các sản phẩm phái sinh thương mại dựa trên các tác phẩm được xuất bản theo giấy phép nội dung mở không?
Tóm tắt
Trong bài học này, bạn đã học về:
-
Nguyên tắc cơ bản của luật bản quyền
-
Nội dung nào có thể được coi là nội dung có thể được bảo vệ bản quyền
-
Sản phẩm phái sinh hoặc chuyển thể là gì
-
Các tính năng chung được chia sẻ bởi các giấy phép nội dung mở
-
Các loại nội dung mở
-
Tầm quan trọng và lợi ích của mô hình cấp phép nội dung mở
-
Bản quyền và nhãn hiệu là các loại hình sở hữu trí tuệ
Đáp án Bài tập Hướng dẫn
-
Giấy phép nội dung mở có thể được sử dụng để tránh bản quyền không?
Giấy phép nội dung mở không thể được sử dụng để tránh bản quyền. Giấy phép nội dung mở là một loại giấy phép bản quyền cấp một số quyền theo những điều kiện nhất định, đồng thời duy trì các quyền độc quyền của chủ sở hữu bản quyền.
-
Nội dung như thế nào sẽ được coi là nội dung mở?
Nội dung mở có thể là bất kỳ một tác phẩm có bản quyền nào được xuất bản theo giấy phép nội dung mở. Nội dung này có thể là phim, nhạc, hình ảnh, văn bản, cơ sở dữ liệu, tài liệu, bản đồ và thiết kế phần cứng cũng như các dạng tác phẩm sáng tạo khác. Các loại giấy phép này cấp các quyền như sử dụng, tái phân phối, tạo sản phẩm phái sinh và sử dụng thương mại hoặc phi thương mại mà không cần bất kỳ sự cho phép đặc biệt nào.
-
Sản phẩm phái sinh là gì?
Sản phẩm phái sinh — hay còn được gọi là bản chuyển thể — là một tác phẩm dựa trên một tác phẩm sẵn có, trong đó tác phẩm gốc đã được chuyển đổi hoặc chuyển thể. Các bản dịch, bản soạn nhạc, kịch, phiên bản điện ảnh, bản ghi âm và tái tạo tác phẩm nghệ thuật là những ví dụ về sản phẩm phái sinh.
Đáp án Bài tập Mở rộng
-
Bạn sẽ làm gì nếu muốn phát hành một tác phẩm và cho phép mọi người sử dụng nó cho bất kỳ mục đích nào, miễn là họ tái phân phối tác phẩm đó theo cùng các quyền và điều kiện?
Bạn có thể cung cấp tác phẩm theo giấy phép copyleft. Bằng cách này, tất cả các sản phẩm phái sinh của bản gốc cũng phải được để mở và phát hành theo cùng một giấy phép hoặc bất kỳ một giấy phép tương thích nào khác.
-
Bạn có thể phân phối các sản phẩm phái sinh thương mại dựa trên các tác phẩm được xuất bản theo giấy phép nội dung mở không?
Điều này phụ thuộc vào giấy phép mà tác phẩm gốc tuân theo. Nếu giấy phép đó quy định rằng bạn có thể sử dụng sản phẩm phái sinh cho bất kỳ mục đích nào, thậm chí là về mặt thương mại, thì bạn có thể.