053.2 Bài 1
Chứng chỉ: |
Open Source Essentials |
---|---|
Phiên bản: |
1.0 |
Chủ đề: |
053 Giấy phép dành cho Nội dung Mở |
Mục tiêu: |
053.2 Giấy phép Tài sản Sáng tạo Công cộng (Creative Commons) |
Bài học: |
1 trên 1 |
Giới thiệu
Thành công của phần mềm tự do từ những năm 1990 song song với sự xâm chiếm của Internet đã đánh thức khát vọng có được những điều kiện tương tự trong các lĩnh vực khác để hỗ trợ sự phát triển và phân phối các sản phẩm sáng tạo — tức các tác phẩm về cơ bản là được bảo hộ bản quyền. Những mong muốn này phản ánh một loạt các lợi ích khác nhau.
Các nghệ sĩ sáng tạo sẽ muốn tự mình xác định các điều kiện để theo đó các tác phẩm của họ có thể được người khác sử dụng. Tuy nhiên, các nghệ sĩ đồng thời cũng sẽ quan tâm đến việc sử dụng tác phẩm của những người khác cho bản thân mình, có thể là bằng cách trích dẫn, chỉnh sửa hoặc phỏng theo giống như các quá trình sáng tạo vẫn luôn cần tới. Đối với người tiếp nhận tác phẩm, các câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề tiềm năng sử dụng (ví dụ như liệu tác phẩm có thể được sao chép hoặc truyền lại dưới một hình thức nào hay không).
Ngoài việc làm rõ những câu hỏi thực tế như vậy, các quy định cũng phải được thực hiện theo một cách phù hợp với các chuẩn mực pháp lý hiện hành - chủ yếu là luật bản quyền; điều này đã trở nên khó khăn hơn do luật bản quyền được điều chỉnh theo nhiều cách khác nhau trên phạm vi quốc tế.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các quy tắc phải dễ hiểu và dễ áp dụng để đẩy nhanh quá trình sáng tạo và mang lại cho nhà sáng tạo cũng như người tiếp nhận sự chắc chắn về mặt pháp lý.
Nguồn gốc và Mục tiêu của Tài sản Sáng tạo Công cộng
Các giấy phép đầu tiên trong lĩnh vực phần mềm tự do, trên hết là Giấy phép Công cộng chung GNU, đã thực hiện thành công việc tiên phong trong vấn đề cung cấp một khuôn khổ pháp lý đáng tin cậy cho các quy trình hoàn toàn mới xoay quanh sự phát triển hợp tác của phần mềm.
Năm 2001, một nhóm do giáo sư luật Lawrence Lessig từ Trường Luật Stanford dẫn đầu đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên là Tài sản Sáng tạo Công cộng (Creative Commons - CC) lấy cảm hứng từ phần mềm tự do. Mục tiêu của tổ chức được tóm tắt trên trang web của dự án như sau:
Tài sản Sáng tạo Công cộng là một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu cho phép chia sẻ và tái sử dụng tính sáng tạo và kiến thức thông qua việc cung cấp các công cụ pháp lý miễn phí.
Website (FAQ)
Với thuật ngữ "công cộng" đề cập đến một hình thức hoạt động kinh tế cộng đồng đã được ghi nhận từ thời Trung Cổ, tổ chức này nhấn mạnh tới một nhu cầu sâu sắc và có thể được kiểm chứng về mặt lịch sử của con người đối với một hành động tập thể hướng tới lợi ích chung. Do đó, nhiệm vụ tự đặt ra của họ là tạo ra một khuôn khổ pháp lý hiện đại cho công việc sáng tạo. Tài sản Sáng tạo Công cộng chuyển các nhu cầu và giải pháp của phong trào phần mềm tự do sang các lĩnh vực sáng tạo khác như văn học, nghệ thuật biểu diễn (hội họa, đồ họa, nhiếp ảnh, video, v.v.) và âm nhạc, cũng như các tài liệu và sản phẩm khoa học — nói một cách đại khái thì là tất cả các sản phẩm có bản quyền.
Tương tự như Tổ chức Phần mềm Tự do, Tài sản Sáng tạo Công cộng cũng chọn thực hiện các mục tiêu của mình thông qua giấy phép: tập hợp các thông số kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và ràng buộc về mặt pháp lý mà nhà sáng tạo đã chỉ định rõ ràng cho tác phẩm của họ, thường là trước khi họ "phát hành" tác phẩm ra công chúng — tức là xuất bản chúng.
Nguyên tắc "bảo lưu mọi quyền" được quy định trong luật bản quyền của Hoa Kỳ được coi là quá hạn chế khi xét đến tiềm năng kỹ thuật đang ngày càng tăng cao sẵn có cho các quy trình sáng tạo. Bản thân các nhà sáng tạo thường cũng không nắm rõ được mức độ cho phép để xây dựng tác phẩm của mình dựa trên tác phẩm của người khác mà không vượt quá giới hạn của luật bản quyền và, trong trường hợp xấu nhất, có thể khiến bản thân họ bị truy tố. Tài sản Sáng tạo Công cộng đối lập lại với khuôn khổ hà khắc này bằng nguyên tắc "một số quyền được bảo lưu": những nhà sáng tạo sẽ nêu tên những quyền mà họ muốn bảo lưu — và từ bỏ tất cả các quyền khác.
Sự kết hợp của vỏn vẹn bốn điều kiện (mô-đun) cơ bản đơn giản sẽ tạo ra tổng cộng sáu giấy phép mà từ đó tác giả có thể chọn và cấp giấy phép thích hợp cho tác phẩm của mình.
Mô-đun giấy phép Tài sản Sáng tạo Công cộng
Bốn mô-đun vừa được đề cập tương ứng với bốn quyết định cơ bản đơn giản mà tác giả đưa ra liên quan đến việc sử dụng và phân phối tác phẩm. Mỗi mô-đun có thể được biểu thị bằng chữ viết tắt gồm hai chữ cái và một ký hiệu. Định nghĩa tương ứng sẽ rất ngắn gọn và dễ hiểu ngay cả đối với những người không có chuyên môn về pháp lý; điều này góp phần rất lớn vào sự phổ biến của các giấy phép CC. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cá biệt, các điều khoản cũng có thể dẫn đến những câu hỏi chưa được giải quyết hoặc những vùng xám.
Ghi công Tác giả (BY)
Bạn phải ghi công tác giả một cách phù hợp, cung cấp liên kết tới giấy phép và cho biết liệu các thay đổi đã được thực hiện hay chưa. Bạn có thể làm như vậy theo bất kỳ cách nào, nhưng không được theo bất kỳ cách nào ám chỉ rằng người cấp phép đã xác nhận bạn hoặc việc sử dụng của bạn.
Attribution
Từ tiếng Anh “by” chỉ ra rằng tác giả phải được nêu tên, tức là tác phẩm phải được ghi rõ ràng là của tác giả nếu nó được sử dụng, sao chép hoặc chuyển giao dưới bất kỳ hình thức nào. Mô-đun Ghi công tác giả (Attribution - BY) là mô-đun bắt buộc duy nhất trong tất cả các giấy phép CC. Nói cách khác, không có tác phẩm nào tuân theo sáu giấy phép CC tiêu chuẩn thoát ly khỏi việc ghi công tác giả.
Yêu cầu đơn giản này có thể gây ra những vấn đề thực tế trong các dự án hợp tác được phát triển thông qua internet. Ví dụ: trong các sản phẩm bắt nguồn từ bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia, thật khó để có thể “ghi công tác giả một cách phù hợp” với hàng nghìn nhà đóng góp.
Phi Thương mại (NC)
Bạn không được sử dụng tài liệu cho mục đích thương mại.
NonCommercial
Mục đích của mô-đun Phi thương mại (NonCommercial) thoạt nhìn có vẻ rất rõ ràng: nhằm ngăn chặn việc một tác phẩm có sẵn miễn phí bị người khác chiếm đoạt vì mục đích thương mại. Điều này thường liên quan đến các sản phẩm được phát triển bằng nguồn vốn công (chẳng hạn như tại các trường đại học). Chúng được "bảo vệ" khỏi việc thương mại hóa để đảm bảo chất lượng và tính sẵn có miễn phí lâu dài của mình.
Trên thực tế, mô-đun NC thường gây ra nhiều sự không chắc chắn vì nó không hề rõ ràng trong từng trường hợp khi việc sử dụng thực sự có mang tính thương mại. Ví dụ: nếu các giáo viên sử dụng tài liệu tuân theo một giấy phép CC với mô-đun NC và dạy ở một trường tư thục hoặc một trường đại học tư mà sinh viên phải trả tiền để theo học thì tức là họ đã nằm trong một vùng xám về mặt pháp lý.
Nhiều nhà phê bình mô-đun NC cũng bác bỏ lập luận rằng các tài liệu tự do đã trở thành “không tự do” thông qua việc sử dụng thương mại vì các tác phẩm vẫn đang đồng thời có sẵn miễn phí.
Không Phái sinh (ND)
Nếu bạn phối lại, biến đổi hoặc xây dựng dựa trên tài liệu, bạn không được phân phối tài liệu đã sửa đổi.
NoDerivs
Phái sinh (Derivatives, viết tắt là Derivs) nghĩa là các tác phẩm/ sản phẩm phái sinh (đã được đề cập ở các bài học trước). Trong bối cảnh của Tài sản Sáng tạo Công cộng, thuật ngữ này cũng đề cập đến việc tạo ra các sản phẩm mới trên cơ sở các sản phẩm hiện có được bảo vệ quyền tác giả. Để lấy ví dụ, sản phẩm phái sinh có thể là tài liệu học tập mà giáo viên điều chỉnh cho phù hợp với bài học của mình hoặc bản dịch của một cuốn tiểu thuyết sang một ngôn ngữ khác. Không phái sinh loại trừ một cách rõ ràng việc phân phối các bản sửa đổi hoặc chuyển thể kiểu này: tác phẩm chỉ có thể được truyền đạt dưới hình thức xuất bản bởi chính tác giả.
Chia sẻ Tương tự (SA)
Nếu bạn phối lại, biến đổi hoặc xây dựng dựa trên tài liệu, bạn phải phân phối phần đóng góp của mình theo cùng một giấy phép giống như bản gốc.
ShareAlike
Mô-đun Chia sẻ Tương tự (ShareAlike) chỉ ra rằng một tác phẩm chỉ có thể được chia sẻ trong cùng các điều kiện với giấy phép đã được chỉ định. SA được coi là đối trọng với nguyên tắc copyleft trong các giấy phép phần mềm tự do; nó đảm bảo rằng các quyền tự do do giấy phép cấp cũng được áp dụng mà không có sự thay đổi đối với các sản phẩm phái sinh.
Mô-đun SA đặc biệt thú vị khi kết hợp với các mô-đun khác vì yêu cầu của SA cũng sẽ cập nhật các điều kiện được xác định khác như chúng ta sẽ thấy khi thảo luận về các giấy phép khác nhau.
Các Giấy phép cốt lõi của Tài sản Sáng tạo Công cộng
Sự kết hợp giữa các mô-đun vừa được giới thiệu ở trên sẽ tạo ra tổng cộng sáu giấy phép. Chỉ có sáu vì không phải sự kết hợp nào giữa chúng cũng khả thi. Ví dụ: yêu cầu chia sẻ ngay cả các sản phẩm đã được sửa đổi trong cùng các điều kiện (ShareAlike) và việc cấm chuyển thể (NoDerivs) sẽ loại trừ lẫn nhau. Do đó, không có giấy phép nào có cả hai mô-đun này. Vì quyền tác giả cũng là một phần của tất cả các giấy phép nên kết quả là chúng ta có các giấy phép cốt lõi sẽ được giới thiệu sau đây.
Danh sách các giấy phép này cũng có thể được hình dung như một thước đo từ "nhiều quyền tự do" đến "ít quyền tự do", vì tác giả sẽ trả lời các câu hỏi về khả năng sử dụng hoặc các hạn chế liên quan đến tác phẩm theo từng bước và từ đó sẽ đạt được một giấy phép đúng như mong muốn.
Tài sản Sáng tạo Công cộng Ghi công (CC BY)
Việc ghi công tác giả đã được nhắc tới như một thành phần bắt buộc của tất cả các giấy phép và vì vậy, giấy phép đầu tiên — Tài sản Sáng tạo Công cộng Ghi công (CC Attribution hoặc CC BY) — chỉ bao gồm mô-đun này. Do đó, một tác phẩm có thể được phát hành cho bất kỳ hình thức sử dụng, sửa đổi và phân phối nào, miễn là đáp ứng được yêu cầu ghi công tác giả.
Ví dụ: nếu một tác giả đã xuất bản một bài thơ theo CC BY, nhà xuất bản có thể đưa nó vào một tập thơ mà không cần hỏi ý kiến tác giả cũng như không có bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào và thậm chí có thể phân phối nó qua các hiệu sách, miễn là bài thơ này được đề rõ ràng là tác phẩm của tác giả.
Tài sản Sáng tạo Công cộng Ghi công-Chia sẻ Tương tự (CC BY-SA)
Tài sản Sáng tạo Công cộng Ghi công-Chia sẻ Tương tự tương ứng với CC BY nhưng cũng bổ sung cả các yêu cầu của Chia sẻ Tương tự — tức là phân phối các phiên bản đã sửa đổi của tác phẩm dưới cùng các điều kiện.
Ví dụ: nếu một ca sĩ đặt bài hát của mình theo giấy phép CC BY-SA, một ban nhạc khác có thể hát lại hoặc phỏng theo bài hát này, miễn là họ cũng phát hành phiên bản bài hát của mình theo giấy phép CC BY-SA hoặc một giấy phép khác tương thích với nó.
Tài sản Sáng tạo Công cộng Ghi công-Phi thương mại (CC BY-NC)
Tài sản Sáng tạo Công cộng Ghi công-Phi thương mại là giấy phép đầu tiên trong chuỗi liên kết việc sử dụng tác phẩm với một lệnh cấm bằng cách loại trừ việc phân phối và chuyển thể/ phóng tác cho mục đích thương mại.
Trong ví dụ, một ban nhạc sẽ được phép chuyển thể bài hát của ca sĩ nhưng không được sử dụng bản chuyển thể này cho mục đích thương mại (chẳng hạn như bán bài hát đó trên đĩa nhạc của chính họ hoặc chơi nó tại các buổi hòa nhạc mà họ được trả phí). Tuy nhiên, ban nhạc sẽ được phép cấm bổ sung việc chuyển thể phiên bản của họ — tức là xuất bản bản chuyển thể theo giấy phép CC BY-NC-ND.
Tài sản Sáng tạo Công cộng Ghi công-Phi thương mại-Chia sẻ Tương tự (CC BY-NC-SA)
Trong trường hợp của Tài sản Sáng tạo Công cộng Ghi công-Phi thương mại-Chia sẻ Tương tự, việc cấm sử dụng thương mại có liên quan đến việc phân phối trong cùng điều kiện. Tiếp tục với ví dụ của chúng ta: mặc dù ban nhạc được phép hát lại bài hát của ca sĩ nhưng không được phép thêm ND vào bản hát lại vì bản hát lại đó phải được phân phối dưới cùng các điều kiện.
Tài sản Sáng tạo Công cộng Ghi công-Không phái sinh (CC BY-ND)
Giống như Phi thương mại, CC Ghi công-Không phái sinh cũng dựa trên một lệnh cấm — trong trường hợp này là lệnh cấm sửa đổi hoặc chuyển thể/ phỏng theo một tác phẩm. Do đó, ban nhạc trong ví dụ của chúng ta sẽ không được phép phân phối phiên bản hát lại bài hát của ca sĩ.
Việc sử dụng giấy phép CC có điều khoản ND (tức là các giấy phép CC BY-ND và giấy phép CC BY-NC-ND sẽ được giới thiệu tiếp theo đây) được nhìn nhận với một thái độ hoài nghi, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, vì chúng có thể cản trở việc trao đổi kiến thức cần thiết cho tiến bộ khoa học. Ngay cả trên trang web Tài sản Sáng tạo Công cộng, các giấy phép có mô-đun ND cũng được mô tả là không tương thích với nguyên tắc truy cập mở phổ biến trong khoa học. Để lấy một ví dụ về xu hướng hạn chế quá mức của ND, người ta đã trích dẫn rằng ngay cả các bản dịch của các bài báo khoa học cũng được coi là các sản phẩm phái sinh và do đó sẽ bị cấm.
Tài sản Sáng tạo Công cộng Ghi công-Phi thương mại-Không phái sinh (CC BY-NC-ND)
Giấy phép CC hạn chế nhất — Tài sản Sáng tạo Công cộng Ghi công-Phi thương mại-Không phái sinh — kết hợp cả việc cấm sử dụng thương mại và việc phân phối các sản phẩm phái sinh. Nói một cách tích cực, điều này có nghĩa là một tác phẩm chỉ có thể được sao chép và phân phối dưới hình thức do tác giả xuất bản và chỉ được sử dụng cho mục đích phi thương mại.
Do đó, ca sĩ trong ví dụ của chúng ta có thể ngăn một ban nhạc hát lại bài hát của cô ấy (ND), nhưng đồng thời bài hát đó cũng có thể có nguy cơ bị loại khỏi bất kỳ nền tảng nào tạo ra doanh thu từ khách hàng hoặc quảng cáo.
Tài sản Sáng tạo Công cộng Không (CC0) và Nhãn Phạm vi Công cộng
Chúng ta đã biết rằng luật bản quyền được quy định rất khác nhau giữa các quốc gia và khu vực pháp lý khác nhau. Ví dụ: theo luật pháp của Hoa Kỳ, chủ sở hữu quyền hoàn toàn có thể từ bỏ bản quyền của mình. Bằng cách đó, họ có thể chuyển tác phẩm của mình sang cái gọi là Phạm vi công cộng - tức là sang mục đích sử dụng chung và không hạn chế.
Tuy nhiên, ở hầu hết các nước Châu Âu, ngoài các quyền sử dụng thuần túy, bản quyền còn bao gồm các quyền cá nhân thường không thể chuyển nhượng và do đó tác giả không thể từ bỏ. Nếu một tác giả muốn phát hành một tác phẩm ra cho công chúng, họ sẽ từ bỏ mọi quyền sử dụng nhưng vẫn là tác giả.
Ngoài ra, có những tác phẩm mà việc sử dụng nó không bị hạn chế một chút nào. Các tác phẩm này có thể bao gồm những tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ pháp lý (chẳng hạn như cuốn tiểu thuyết 70 năm sau khi tác giả qua đời) hoặc những tác phẩm về nguyên tắc chưa bao giờ được bảo vệ (chẳng hạn như các văn bản pháp luật).
Tài sản Sáng tạo Công cộng cung cấp hai công cụ phạm vi công cộng để xác định các tác phẩm có sẵn cho công chúng mà không bị hạn chế.
Tài sản Sáng tạo Công cộng Không (CC0) hầu như không có điều kiện nào cho việc sao chép, phân phối và sửa đổi tác phẩm. Kể cả việc ghi công tác giả bắt buộc trong tất cả các giấy phép CC cũng bị bỏ qua. Giấy phép này cho phép chủ sở hữu bản quyền đánh dấu tác phẩm của họ thuộc phạm vi công cộng trong nhiều hệ thống pháp luật nhất có thể.
Hãy lấy một tài liệu học tập được phát triển cho mục đích giảng dạy làm ví dụ. Tác giả hoặc các tác giả có thể sử dụng nhãn CC0 để đảm bảo rằng tài liệu này có thể được sử dụng bởi bất kỳ ai mà không có bất kỳ hạn chế nào: nó có thể được sao chép toàn bộ hoặc một phần, phân phối miễn phí hoặc có tính phí và được tích hợp toàn bộ hoặc một phần vào các tài liệu khác. Các tác giả ban đầu không cần phải được nêu tên ở bất cứ đâu.
Để xác định các tác phẩm không bị hạn chế về bản quyền, Tài sản Sáng tạo Công cộng khuyến nghị sử dụng Nhãn Phạm vi Công cộng:
Nhãn Phạm vi công cộng hoạt động như một chiếc thẻ hoặc nhãn hiệu; nó cho phép các tổ chức truyền đạt rằng tác phẩm không còn bị hạn chế bởi bản quyền và có thể được sử dụng tự do bởi những người khác.
Public Domain Mark
Chọn Giấy phép và Đánh dấu Nhãn cho Tác phẩm
Chúng ta đã biết rằng Tài sản Sáng tạo Công cộng nhắm tới việc đơn giản hoá nhất có thể cho cả người cấp phép (nhà sáng tạo nội dung) và người được cấp phép (người tiếp nhận tác phẩm). Nói một cách cụ thể, tổ chức này cung cấp rất nhiều hỗ trợ, từ việc lựa chọn giấy phép thích hợp cho đến việc đánh dấu nhãn cho tác phẩm và sử dụng nó.
Bộ chọn Giấy phép CC (CC License Chooser) trên trang web của tổ chức đưa người dùng từng bước một tiến đến một đề xuất giấy phép thích hợp bằng cách đặt ra các câu hỏi đơn giản liên quan đến mục đích sử dụng mong muốn đối với tác phẩm mà tác giả trả sẽ phải lời (CC License Chooser).
Nếu giấy phép được đề xuất phù hợp với ý định của tác giả, họ có thể theo đó đánh dấu nhãn cho tác phẩm của mình. Ví dụ: Bộ chọn Giấy phép cung cấp mã HTML mà tác giả có thể thêm trực tiếp vào trang web hiển thị tác phẩm (Mã HTML có liên kết đến giấy phép).
Kết quả sau đó sẽ là một thông báo được chuẩn hóa với liên kết tới giấy phép tương ứng (Thông báo giấy phép có liên kết đến giấy phép).
Các biểu tượng dành riêng cho giấy phép (trong đó các mô-đun đi kèm có thể được nhìn thấy trực tiếp) đã được giới thiệu ở trên. Chúng đã tự thiết lập bản thân mình thành các "điểm bắt mắt" trong việc xác định nội dung miễn phí trên internet.
Giấy phép Quốc tế và Giấy phép chuyển đổi
Ngay từ đầu, Tài sản Sáng tạo Công cộng đã tập trung vào việc phát triển các giấy phép mang tính tổng quát nhất có thể - tức là có giá trị trên toàn thế giới - được xác định tương ứng bằng việc bổ sung cụm từ “quốc tế” (trước đây là “chưa được chuyển đổi” - unported) . Mặt khác, có những biến thể có tính đến đặc thù của hệ thống pháp luật của một khu vực hoặc quốc gia và được gọi là “chuyển đổi” (ported). Ví dụ: ngoài giấy phép CC BY-SA 3.0 Chưa chuyển đổi (CC BY-SA 3.0 Unported), chúng ta còn có một phiên bản đặc biệt dành cho nước Đức dưới tên CC BY-SA 3.0 Germany.
Với phiên bản 4.0 hiện đang có hiệu lực của giấy phép CC, Tài sản Sáng tạo Công cộng đang nỗ lực tiêu chuẩn hóa hơn nữa và (cho đến nay) đã loại bỏ hoàn toàn các phiên bản chuyển đổi. Trong phiên bản 4.0, giấy phép “quốc tế” được khuyến nghị một cách mạnh mẽ:
Chúng tôi khuyến nghị sử dụng giấy phép quốc tế phiên bản 4.0. Đây là phiên bản giấy phép được cập nhật mới nhất của chúng tôi, được soạn thảo sau khi tham khảo ý kiến rộng rãi với mạng lưới các chi nhánh toàn cầu của chúng tôi và được tạo ra để có hiệu lực quốc tế. Hiện tại không có các chuyển thể 4.0 và theo kế hoạch thì cũng sẽ có rất ít (nếu có).
FAQ
Bài tập Hướng dẫn
-
Mô-đun nào của hệ thống giấy phép Tài sản Sáng tạo Công cộng là một thành phần có mặt trong toàn bộ sáu giấy phép Tài sản Sáng tạo Công cộng?
-
Mô-đun nào của hệ thống cấp phép Tài sản Sáng tạo Công cộng yêu cầu phân phối một tác phẩm theo cùng các điều kiện?
-
CC0 có gì khác so với sáu giấy phép CC cốt lõi?
-
Sự khác biệt giữa giấy phép “quốc tế” và “chuyển đổi” là gì?
Bài tập Mở rộng
-
Có thể đặt một bức ảnh chụp một tác phẩm thuộc phạm vi công cộng theo giấy phép CC không?
-
Liệu một tác giả có thể xuất bản một cuốn tiểu thuyết của mình trong đó có sử dụng toàn bộ bản sonnet của Shakespeare theo giấy phép CC không?
-
Một người dùng phát hành ảnh của chính mình trên trang web của họ theo một giấy phép CC. Liệu cô ấy có thể ngăn chặn việc phát tán hình ảnh này bằng cách viện dẫn quyền cá nhân của mình không?
Tóm tắt
Được thành lập vào năm 2001, tổ chức Tài sản Sáng tạo Công cộng hướng tới mục đích hỗ trợ việc chia sẻ và sử dụng các tác phẩm sáng tạo — tức là các tác phẩm có bản quyền — với sự trợ giúp của các công cụ pháp lý miễn phí. Trọng tâm của họ là bốn mô-đun (Ghi công, Phi thương mại, Không phái sinh và Chia sẻ Tương tự) được kết hợp trong sáu giấy phép được gọi là các giấy phép cốt lõi và có thể được tác giả lựa chọn cho các tác phẩm của họ.
Đáp án Bài tập Hướng dẫn
-
Mô-đun nào của hệ thống giấy phép Tài sản Sáng tạo Công cộng là một thành phần có mặt trong toàn bộ sáu giấy phép Tài sản Sáng tạo Công cộng?
Mô-đun “Ghi công tác giả’, viết tắt là "`BY.”
-
Mô-đun nào của hệ thống cấp phép Tài sản Sáng tạo Công cộng yêu cầu phân phối một tác phẩm theo cùng các điều kiện?
Mô-đun “Chia sẻ Tương tự”, viết tắt là “SA.”
-
CC0 có gì khác so với sáu giấy phép CC cốt lõi?
Với CC0, một tác giả sẽ không được đảm bảo một số quyền nhất định như với các giấy phép CC khác; họ từ bỏ tất cả mọi quyền đối với tác phẩm trong phạm vi khả năng của khu vực pháp lý tương ứng. Nguyên tắc "không bảo lưu quyền" này tương ứng với việc chỉ định tác phẩm thuộc phạm vi công cộng.
-
Sự khác biệt giữa giấy phép “quốc tế” và “chuyển đổi” là gì?
Cho đến phiên bản 3.0, Tài sản Sáng tạo Công cộng đã cung cấp các biến thể giấy phép có tính đến các đặc điểm cụ thể của khu vực tài phán quốc gia hoặc khu vực. Kể từ phiên bản 4.0, CC đã loại bỏ cái gọi là phiên bản “chuyển đổi” này và đề xuất phiên bản “quốc tế” hợp lệ trên toàn cầu của giấy phép tương ứng.
Đáp án Bài tập Mở rộng
-
Có thể đặt một bức ảnh chụp một tác phẩm thuộc phạm vi công cộng theo giấy phép CC không?
Điều này phụ thuộc vào việc bức ảnh đó có đáp ứng các tiêu chí để bản thân nó được bảo vệ bản quyền hay không. Nói cách khác, bản thân bức ảnh phải được công nhận là một sản phẩm sáng tạo và đáng được bảo vệ (ví dụ như thông qua phối cảnh, nền, bộ lọc, v.v.). Nếu đáp ứng được, nó có thể được đặt theo giấy phép CC và sau đó các điều kiện của giấy phép CC sẽ có thể được áp dụng. Tuy nhiên, phần nguyên bản — tức là mô típ thực tế — vẫn thuộc phạm vi công cộng.
-
Liệu một tác giả có thể xuất bản một cuốn tiểu thuyết của mình trong đó có sử dụng toàn bộ bản sonnet của Shakespeare theo giấy phép CC không?
Có, nhưng chỉ những phần sáng tạo của chính tác giả trong cuốn tiểu thuyết mới phải tuân theo giấy phép CC do tác giả chọn. Phần Sonnet vốn thuộc phạm vi công cộng vẫn sẽ thuộc phạm vi công cộng.
-
Một người dùng phát hành ảnh của chính mình trên trang web của họ theo một giấy phép CC. Liệu cô ấy có thể ngăn chặn việc phát tán hình ảnh này bằng cách viện dẫn quyền cá nhân của mình không?
Bằng cách xuất bản một bức ảnh theo một giấy phép CC, chủ sở hữu thường đồng ý với việc phân phối nó. Giới hạn sẽ là khi việc sử dụng bức ảnh vi phạm quyền cá nhân của chủ sở hữu (chẳng hạn như khi hình ảnh bị bóp méo nghiêm trọng hoặc được sử dụng cho mục đích quảng cáo hoặc trong bối cảnh chính trị mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu). Quyền cá nhân của chủ sở hữu không bị ảnh hưởng bởi quy định về quyền sử dụng của giấy phép CC; do đó, trong những trường hợp như thế này, cô ấy có thể khởi kiện việc sử dụng hình ảnh của mình.